Dược liệu bồ kết được biết nhiều bởi công dụng làm sạch gầu, giúp tóc chắc khỏe và mềm mại… Ngoài ra bồ kết còn nhiều công dụng đối với sức khỏe như sát trùng, trị sâu răng, ho hen… Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu tổng quan về công dụng của dược liệu bồ kết.
1. Đặc điểm dược liệu bồ kết
Cây bồ kết còn được gọi là chùm kết, tạo giác, trư nha tạo giác, có tên khoa học là Fructus Gleditschiae – thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae). Các bộ phận trên cây được sử dụng làm dược liệu bao gồm quả, hạt, gai bồ kết và có đặc điểm như sau:
- Quả bồ kết được gọi là tạo giác (Fructus Gleditschiae): Được thu hái khi chín khô, quả được sử dụng làm thuốc cần loại bỏ hạt và có thể dùng sống hoặc tẩm nước cho mềm sau đó sấy khô, trong một số trường hợp có thể đốt thành than hoặc tán thành bột. Quả có tính ôn, vị cay mặn, chứa 10% hoạt chất saponin màu vàng, saponin australozit, saponin gleditsia B-G và 5 chất flavonoit gồm homorientin, inteolin, vitestin, saponaretin, và orientin. Các hoạt chất này có công dụng diệt siêu vi trùng, trùng roi âm đạo;
- Hạt bồ kết được gọi là tạo giác tử (Semen Gleditschiae): Được lấy ra từ quả bồ kết chín đã được sấy khô hoặc phơi. Hạt bồ kết có tính ôn, vị cay và tác dụng tán kết, thông đại tiện, trị mụn nhọt…;
- Gai bồ kết được gọi là tạo thích (Semen Gleditschiae): Là bộ phận được thu hái ở thân cây, sau khi thu hoạch được đem phơi, sấy khô hoặc thái mỏng rồi đem phơi, sấy khô. Gai bồ kết có tính ôn, vị cay và chứa hoạt chất có công dụng làm thông sữa, tiêu ung độc, xẹp mưng mủ, sát trùng…;
2. Cây bồ kết có tác dụng gì?
Bồ kết là dược liệu mang lại nhiều công dụng đối với sức khỏe và đời sống như sau:
2.1. Duy trì mái tóc mềm mại, chắc khỏe
Đây là công dụng được biết đến từ lâu của bồ kết. Các nghiên cứu đưa ra kết luận rằng quả bồ kết chứa thành phần chính là saponaretin, flavonoizit có tác dụng cân bằng hoạt động của tuyến bã nhờn trên da đầu, giảm số lượng tóc bị gãy rụng và phục hồi nang tóc. Ngoài ra, loại quả này có chứa canxi, protein và các khoáng chất vi lượng giúp nuôi dưỡng chân tóc, duy trì mái tóc mượt mà và giảm số lượng tóc bị rụng…
2.2. Hỗ trợ điều trị các bệnh lý về da đầu
Nước sắc từ quả và gai bồ kết giúp ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn, vi nấm gây bệnh ngoài da. Vì vậy, sử dụng bồ kết gội đầu có tác dụng điều trị một số bệnh lý da liễu như nấm da dầu, viêm da tiết bã nhờn…
Một số thành phần trong bồ kết có tác dụng loại bỏ vảy gàu, phục hồi màng bảo vệ, điều hòa hoạt động tiết dầu… từ đó giúp duy trì mái tóc khỏe mạnh, giảm tác động xấu từ các yếu tố môi trường.
2.3. Ngăn ngừa rụng tóc
Rụng tóc xảy ra do nhiều nguyên nhân như căng thẳng, stress, người cao tuổi, phụ nữ mang thai hoặc vừa mới sinh con. Các nghiên cứu cho thấy quả bồ kết chứa hoạt chất flavonoid có tác dụng chống oxy hóa và giúp phục hồi nang tóc bị thoái hóa, kích thích sợi tóc mới phát triển. Bên cạnh đó, các hoạt chất chống oxy hóa trong quả bồ kết còn có tác dụng ức chế các gốc tự do – nguyên nhân dẫn đến thoái hóa nang tóc và hói đầu.
2.4. Trị mụn nhọt ngoài da
Bồ kết có tác dụng ức chế tụ cầu vàng và nấm nên được sử dụng hỗ trợ điều trị mụn nhọt ngoài da. Nước sắc bồ kết ngâm rửa vùng da bị tổn thương sẽ giúp ức chế vi khuẩn gây nhiễm trùng, ngăn ngừa lở loét và phục hồi mô da hiệu quả.
2.5. Điều trị viêm nhiễm hô hấp
Quả bồ kết có công dụng điều trị các bệnh lý viêm nhiễm hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm, viêm amidan, viêm họng do vi khuẩn hoặc virus…
3. Bồ kết trong các bài thuốc điều trị
3.1. Bài thuốc trị bệnh lý viêm da đầu tiết bã nhờn, nấm da đầu, giúp tóc chắc khỏe và suôn mượt
Gội đầu bằng bồ kết không những giúp mái tóc suôn mượt và chắc khỏe mà còn đem lại công dụng hỗ trợ điều trị các bệnh lý về da đầu như viêm da tiết bã nhờn, nấm da đầu… Bạn có sử dụng loại dược liệu này qua các cách chế biến sau đây:
- Nước bồ kết nấu thông thường: Giúp duy trì mái tóc suôn mượt và chắc khỏe. Bạn có thể sử dụng 2 – 3 quả bồ kết khô đem rang giòn đến khi có mùi thơm, bẻ nhỏ sau đó nấu nước sôi và thả bồ kết vào, đun thêm trong vòng 5 – 10 phút. Nước bồ kết sau khi nấu đem vớt bã và dùng gội đầu.
- Nước bồ kết nấu với vỏ bưởi: Kết hợp bồ kết và vỏ bưởi giúp giảm tình trạng rụng tóc, ngăn ngừa gàu và hỗ trợ điều trị các bệnh lý về da đầu như nấm da đầu, viêm da tiết bã nhờn… Sử dụng 2 quả bồ kết khô và 50g vỏ bưởi. Trong đó vỏ bưởi được cắt thành từng miếng nhỏ, bồ kết được đập vụn, đem hỗn hợp thu được đun sôi trong thời gian từ 15 – 20 phút, sau đó vớt bã và pha loãng dung dịch nấu được với nước, dùng gội đầu.
- Nước bồ kết nấu với hương nhu: Trường hợp bạn thường xuyên bị ngứa da đầu do tiết nhiều dầu có thể sử dụng công thức bồ kết nấu với hương nhu, sự kết hợp này giúp ức chế sự hoạt động tiết bã nhờn của da đầu, tăng lưu thông máu và kích thích quá trình mọc tóc mới. Bên cạnh đó, bồ kết và hương nhu còn có tác dụng kháng khuẩn, ức chế sự phát triển của vi nấm, vi khuẩn – nguyên nhân gây hư hại nang tóc. Sử dụng 2 quả bồ kết khô đem đập vụn và 1 nắm lá hương nhu tươi được rửa sạch. Hỗn hợp đem cho vào nước và đun sôi trong thời gian từ 10 – 20 phút. Dung dịch thu được đem vớt bã và pha loãng với nước, dùng gội đầu.
3.2. Bài thuốc trị mụn nhọt
Chế biến bài thuốc bằng cách sử dụng 14g đương quy, 14g xuyên khung, 12g mỗi vị thuốc gồm quả bồ kết và sinh kỳ, 10g xuyên sơn giáp. Hỗn hợp thu được đem sắc uống và chia thành 3 lần dùng trong ngày, không để qua ngày sau.
3.3. Bài thuốc trị mụn bọc do gan huyết nhiệt
Chế biến bài thuốc bằng cách sử dụng 20g mỗi vị thuốc gồm bồ công anh và trái bồ kết. Hỗn hợp được sắc uống mỗi ngày một thang.
3.4. Bài thuốc trị tắc tia sữa ở phụ nữ sau sinh
Sử dụng 4g mỗi vị thuốc gồm nhục quế và cam thảo, 20g mỗi vị thuốc gồm bồ công anh và đương quy, 10g quả bồ kết, 6g thán khương, 14g xuyên khung, 12g đào nhân. Hỗn hợp dược liệu thu được đem sắc với nước, uống mỗi ngày một thang.
3.5. Bài thuốc trị viêm amidan
Sử dụng 10g quả bồ kết đem sắc với nước uống, chia làm 2 lần dùng trong ngày vào sáng và tối.
3.6. Bài thuốc trị ho có đờm
Sử dụng 1g sinh khương, 2g cam thảo, 1g quế chi, 1g quả bồ kết và 4g đại táo. Hỗn hợp thu được đem sắc với 600ml nước, đun đến khi dung dịch cạn còn khoảng 200ml thì dừng và chia làm 3 lần uống trong ngày.
3.7. Bài thuốc trị viêm xoang
Sử dụng quả bồ kết khô đem đốt lên và xông khói vào mũi giúp cải thiện triệu chứng khó thở và nghẹt mũi kéo dài.
3.8. Bài thuốc trị đau răng
Sử dụng quả bồ kết đem nướng lên và ngâm với rượu theo tỷ lệ 1:4 trong thời gian 1 ngày 1 đêm. Rượu ngâm được dùng ngậm vào miệng sau đó nhổ ra, thực hiện bài thuốc liên tục trong vài ngày giúp giảm triệu chứng đau răng.
3.9. Bài thuốc trị quai bị
Sử dụng quả bồ kết đem đốt thành than, sau đó tán thành bột mịn và trộn với giấm. Dung dịch thu được sử dụng bông chấm và thoa lên vùng má bị quai bị. Khoảng 20 – 30 phút lặp lại thao tác một lần để đạt được hiệu quả cao.
4. Cần lưu ý gì khi sử dụng bồ kết
Khi sử dụng bồ kết trong điều trị bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:
- Quả bồ kết chứa độc tính, vì vậy cần lưu ý thận trọng khi sử dụng các bài thuốc chế biến từ vị thuốc này. Các triệu chứng giúp nhận biết ngộ độc bồ kết bao gồm tức ngực, nôn ói, nóng rát ở cổ, mệt mỏi, đau đầu, chân tay rã rời…;
- Chống chỉ định sử dụng các bài thuốc chứa dược liệu bồ kết cho phụ nữ mang thai, bởi độc tính trong dược liệu này có thể dẫn đến sảy thai, sinh non và làm tăng nguy cơ dị tật ở thai nhi;
- Không sử dụng bồ kết ở người có tỳ vị hư yếu bởi chúng làm tăng nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa, chướng bụng, mất ngủ, ăn uống khó tiêu…;
- Hạn chế sử dụng quả bồ kết ở người mắc bệnh lý về dạ dày và tá tràng.